Từ Hà Nội theo quốc lộ 6 khoảng 180km, sau gần 4 tiếng ngồi xe, bạn sẽ đến thảo nguyên Châu Mộc. Ấn tượng đầu tiên sẽ là những đồi chè xanh ngút ngàn, những sóng cỏ chạy tít tắp đến tận chân trời hay những nương mận đang vào mùa thu hoạch… Nếu thích khám phá những điều bí ẩn, bạn nên đi thêm 50km nữa vào Suối Bàng để tìm hiểu những hang ma của người xưa với cách táng độc đáo: treo mộ trên những đỉnh núi cao chót vót.
Từ trung tâm Mộc Châu, đến Suối Bàng bạn nên đi theo cung đường rất đẹp này: qua xã Tô Múa bát ngát chè, quan sát những cây chè cổ thụ trăm tuổi, hay ngắm mây trên những con dốc cheo leo đẹp mê hồn. Trung tâm xã Suối Bàng cách Tô Múa hơn 10km, còn khoảng 80 hang ma, mỗi hang thường có từ 1 đến 35 quan tài.

Các cụ kể: Cách đây hàng trăm năm, người Xá và người Thái cùng ở trên mảnh đất Mộc Châu. Do có sự tranh chấp về đất đai họ chọn cách bắn tên để giải quyết. Nếu mũi tên của bên nào bắn cắm vào vách đá nghĩa là thần núi, thần đất thuận cho ở. Họ đã đứng ở núi Cắm tên, xã Mường Sang bắn tên về Suối Bàng. Người Xá dùng tên có bịt đồng ở đầu mũi tên nên bắn vào vách đá thì bị nảy ra, còn người Thái lấy sáp ong dính vào đầu mũi tên nên khi bắn vào vách đá, mũi tên đã dính lại. Từ đó, người Thái được ở lại trên mảnh đất này, còn người Xá phải ra đi. Người Xá đi xa, nhưng khi chết, không dám chôn cất người chết trên đất nữa, đành đưa vào những thân gỗ to, khoét bỏ ruột để đưa người chết vào trong rồi dấu trên các vách đá cheo leo. Những quan tài đều được làm bằng gỗ đinh thối: loại gỗ ít bị bào mòn bởi thời gian, mưa nắng, các loài thú, mối mọt cũng không dám xâm phạm.
Để lên các hang ma Khoang Tuống, bạn sẽ phải chui qua những đám rễ cây, dây leo chằng chịt. Phát đường mà đi trên những lớp lá cây mục. Khi chân đã bắt đầu mỏi, sẽ thấy những miệng hang kiểu vòm ếch, có hang rộng chừng 2m, trần hang thấp, lại có những hang to, chứa tới mấy chục cỗ quan tài. Ngay ngoài cửa, bạn đã thấy các mộ thuyền nằm ngổn ngang. Cái đã phủ rêu xanh, cái bị nước thấm xuống mục ruỗng. Những quan tài này đều bị người đời sau đem ra nên mới thế. Đi vào trong, những quan tài chưa bị động đến đều được gác trên những chạc cây, khô ráo, lành lặn.  Điểm chung là, chúng đều được làm bằng một thân cây khoét rỗng lòng theo hình cái bát.

Cái lớn dài chừng 2.5 mét, rộng 60 cm, trong lòng khoét rộng chừng 40cm. Đầu mỗi quan tài loe ra hình đuôi én, có các cặp quai đục lỗ hình vuông để nêm chốt khi úp 2 mảnh thân gỗ với nhau. Một số quan tài vẫn còn nguyên những mẩu xương, những đầu lâu khá lớn. Ở vài hang còn có những tấm ván khắc chữ cổ, hay đẽo hình một cô gái đang múa.  Theo các nhà nghiên cứu, chúng có tuổi đời từ 300 đến 500 năm, và theo phỏng đoán đây đều là mộ táng của người thời Đinh –Lý, sống vào khoảng thế kỷ 10-12.
Rời hang ma, chắc hẳn bạn sẽ tò mò, bởi không hiểu bằng cách nào mà những khối gỗ lớn, nguyên vẹn như vậy lại có thể chuyển vào trong hang, đẽo thành những quan tài nguyên vẹn. Bạn sẽ băn khoăn bởi tại sao hàng ngàn năm đã qua, những cỗ quan tài vẫn còn tương đối nguyên vẹn và chỉ bị tháo dỡ bởi bàn tay con người.

Nhưng cũng đừng suy nghĩ quá lâu, hãy dành thời gian còn lại để ngắm dòng Suối Bàng chảy qua những dải đá trắng tinh đổ ra sông, hãy cùng người dân địa phương đi bắt ốc để thưởng thức tinh hoa ẩm thực nơi đây.  Nổi tiếng nhất ở Suối Bàng là ốc đá: Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Ốc bắt về, người ta không xào ốc vì khi xào ốc ra nhiều nhớt ăn không ngon, mọi người thường nấu canh, hoặc đơn giản nhất là luộc với xả, ớt chấm mắm ớt.

Thường thì bà con sẽ đãi bạn những món đặc biệt hơn:. Đun nước sôi lên, đổ ốc vào, cho thêm chút muối cho ốc dòn và khỏi tanh. Luộc chín tới rồi đổ ra khêu, thịt ốc đem nấu với lá nồm, lá chua hoặc măng chua… đều ngon. Cầu kỳ hơn, người ta có thể nạo xoài chua đem trộn với ốc và gia vị: mùi tàu, lá gừng, tía tô, chanh, ớt làm gỏi. Bạn sẽ có một bữa ăn đáng nhớ, một buổi tối thú vị khi ngủ nhà sàn để sáng hôm sau ra về lòng vẫn lâng lâng.

Trên đường về còn muốn ngắm sông cho đủ cả du sơn ngoạn thủy, bạn sẽ được người dân chỉ ra đường sông. Cả người cả xe lên đò, ngược Đà giang về bến Trai (giáp bến Vạn- Phù Yên).
Giữa sóng nước mênh mang, bạn sẽ thấy 2 bên bờ sông xanh rì hoa cỏ, thi thoảng vài con thuyền nhỏ bập bềnh theo Sông Đà về xuôi. Nếu vẫn say sưa khám phá hang ma, thuyền sẽ rẽ vào một hang trên vách đá ven sông. Trong hang cũng có những bộ quan tài treo như ở sâu trong các bản. Trước đây, những hang này thường nằm cheo leo trên vách đá dựng đứng, cao hơn mặt nước sông Đà, không có đường lên. Nay do tích nước làm thủy điện Sông Đà, nước dâng cao, hang chỉ còn cách mặt nước chừng 4m, khá dễ để đến thăm.
        
Sau hành trình thú vị qua núi, qua sông, thưởng thức những món ăn lạ, tìm hiểu cách huyền táng của người xưa, bạn sẽ thấy quê hương mình đẹp và còn rất nhiều điều chưa khám phá hết….

Đăng nhận xét

 
Top