Bản Áng hiện lên với những ngôi nhà sàn truyền thống ẩn hiện bên những tán cây xanh tươi, dòng suối uốn lượn. Thăm khu du lịch sinh thái hồ rừng thông, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của hồ nước 5 ha nằm sát cạnh rừng thông có diện tích 43 ha trải dài trên dãy đồi đất feralít đỏ nâu tạo thành cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp.

Khí hậu cao nguyên Châu Mộc dường như càng tạo lên vẻ huyền ảo, lung linh cho hồ rừng thông bản Áng. Sáng sớm, hồ rừng thông tĩnh lặng, mặt hồ khoác lớp sương mỏng tinh khôi khiến du khách mở lòng hòa mình vào thiên nhiên. Nắng lên mặt hồ “thay áo mới” rực rỡ. Chiều tà, sương kéo về, se lạnh như thả hồn cùng bước chân lãng du, làm vơi đi những ồn ào của cuộc sống thường nhật. Đẹp nhất là những đêm trăng, bóng thông soi xuống mặt hồ, tiếng thông gieo vi vu, vang vọng đâu đó tiếng sáo gọi bạn tình.
Nằm giáp thị trấn nhưng người dân bản Áng vẫn giữ nguyên nét hồn hậu và mến khách. Những phong tục văn hóa truyền thống được lưu giữ với những mái nhà sàn, những điệu xòe thôi thúc mời gọi, những làn điệu dân ca cổ, những lễ hội “Mừng cơm mới” “Hết Chá”... Khi hoa ban nở trắng núi rừng Tây Bắc, chùm hoa mạ nở vàng, đồng bào lại tổ chức lễ hội “Hết Chá” - hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng sâu sắc, có ý thức gắn kết cộng đống, sát cánh bên nhau tự tin bước vào mùa vụ mới; đoàn kết cộng đồng làng bản trước mùa xuân sang, mùa của vạn vật cỏ cây đâm chồi nảy lộc, mùa của hoa ban nở trắng rừng, mùa của sức sống mãnh liệt tình yêu đôi lứa. Đây cũng là ngày lễ tạ ơn đất trời, tạ ơn sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống an lành, yên vui. Lễ hội cũng là dịp để bà con dân tộc Thái thể hiện tình đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống.
Ở bản Áng còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống đan lát, làm đệm bông gạo, đặc biệt là dệt thổ cẩm. Bàn tay “trắng nõn như búp măng” khéo léo của các cô gái Thái xinh đẹp, cần cù dệt nên những sản phẩm thổ cẩm rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh tế, đa dạng. Nghề dệt ở đây đang được đầu tư phát triển hình thành làng nghề gắn với du lịch; sản phẩm khăn piêu, áo cóm, túi xách, rèm cửa, khăn trải bàn.... từng bước tạo được thương hiệu sản phẩm thổ cẩm Đông Sang.
Đến với bản Áng, du khách được trải nghiệm sinh hoạt cùng với đồng bào Thái, ở nhà sàn truyền thống, chìm sâu giấc ngủ khi nằm đệm bông gạo, thưởng thức những món ăn đặc sản. Từ những nguyên liệu tự nhiên, sản vật núi rừng, đồng bào nơi đây có thể chế biến 40-50 loại món ăn khác nhau, như: cơm lam, pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt hun khói, “xôi tình yêu, rượu men lá, cá ống tre” và không thể quên những vị lạ khi thưởng thức những món rau rừng... Trong men say của chum rượu cần, được cùng nắm tay trong vòng xòe bên ánh lửa bập bùng lửa trại giữa thiên nhiên hồ rừng thông thơ mộng. Tiếng trống rộn ràng , tiếng đàn, tiếng khèn dìu dặt, vũ điệu truyền thống và những bài ca dân dã trữ tình, các món ăn, đồ uống mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc và bao điều thú vị khác nữa đang mời gọi đến với điểm du lịch hấp dẫn này 
Ngày Tết độc lập hàng năm, bản Áng được chọn là một trong những điểm tổ chức nhiều hoạt động văn hóa du lịch thu hút hàng nghìn du khách. Tại đây tái hiện lễ hội “Hết Chá”, tổ chức vòng xòe, đốt lửa trại, cắm trại văn hóa, tổ chức ẩm thực văn hóa, trưng bày thổ cẩm, dụng cụ sản xuất...
Hiện nay, khu du lịch bản Áng, hồ rừng thông đang được quy hoạch với quy mô 62 ha, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, du lịch cuối tuần và các dịch vụ khác. Huyện Mộc Châu đang kêu gọi, có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư phát triển du lịch. Hứa hẹn tương lai khu du lịch bản Áng, hồ rừng thông sẽ trở nên hấp dẫn, thu hút nhiều khách du lịch hơn nữa./.

Đăng nhận xét

 
Top